boy_padadari Level: Trai Đẹp
Bài viết : 166 Tiền Zr : 15867
| 20/10/2010, 08:50 | |
| Bé Quang trước bàn thờ mẹ.Trong ngôi nhà ám mùi khói hương, cậu bé ngồi thu lu một góc. Cô độc. Sợ hãi. Hoang mang… Thỉnh thoảng, em lại nấc lên trong tuyệt vọng: “Bố ơi! Bố là ai? Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi? Bố mẹ ơi! Bố mẹ về đây với con. Con không muốn là trẻ mồ côi
Suốt một tuần nay, cậu bé Lê Quang sống trong chuỗi ngày u ám. Bà Hoàng Thị Kim Phượng (bà ngoại cháu Quang) nằm trên giường bệnh, thấy đứa cháu mồ côi rúm ró nơi xó nhà, lòng đau như cắt. Bà gượng dậy, tiến về phía đứa cháu nhỏ. Hai tấm thân run lên từng cơn: “Cảnh ơi! Sao con bỏ mẹ, bỏ cháu mà đi. Cháu còn dại quá!”.
Lúc sinh ra, Lê Quang (2004) cũng may mắn có mẹ, có cha. Thế nhưng, khi em mới một tháng tuổi, cha em phũ phàng bỏ vợ con đi biền biệt. Từ đó, ngày nào, mẹ em - chị Hoàng Thị Trần Cảnh cũng bồng Quang ra ngõ ngóng cha về. Năm này nối năm khác, hình bóng người chồng mờ dần. Bao hy vọng cũng lụi tàn theo thời gian. Quang lớn lên cùng với câu hỏi khiến bà và mẹ chảy nước mắt: “Bà ơi! Mẹ ơi! Bố con đâu?”.
Người đàn ông trụ cột bỏ nhà ra đi, mái tranh nghèo của mẹ con Quang thêm phần xơ xác. Một mình mẹ em gánh vác trăm công, ngàn việc. Bà ngoại mắc bệnh thần kinh, lại bị suy tim; nên chẳng thể đỡ đần gì. Đã thế, Quang còn bé, lại đau ốm quanh năm. Hoàn cảnh buộc mẹ em quăng quật đi làm thuê khắp nơi. Ba con người trong một ngôi nhà tình thương không dám mong có của ăn, của để; chỉ hi vọng có bát cháo lỏng húp qua bữa. Làm việc quần quật, cộng với nỗi trầm uất vì bị phản bội, mẹ Quang bỗng mắc bệnh kinh phong. Mỗi lần lên cơn là một lần thân thể chị rúm ró, giật từng cơn, mắt trợn trừng… đến tội nghiệp. Không biết bao lần người thiếu phụ nghèo thoát khỏi lưỡi hái của Thần chết. Dường như chị gắng gượng sống bởi hiểu rằng: sự sống của mình cũng chính là nguồn nuôi dưỡng người mẹ già và đứa con nhỏ.
Thế nhưng, bi kịch lại giáng xuống. Tối ngày 18/9, chị Trần Cảnh lên cơn kinh phong. Sáng hôm sau, người thiếu phụ suốt đời cực khổ đã vội vã từ trần. Chị ra đi mà không nhắm mắt. Có lẽ người thiếu phụ ấy còn lưu luyến với mẹ già và con thơ. Mãi đến khi hai bà cháu vuốt mắt lần thứ ba, chị Cảnh mới từ từ khép mắt.
Chị Cảnh mất đi, mái nhà vắng bóng người đàn ông trụ cột, nay chẳng còn dáng hình người phụ nữ sớm hôm tảo tần. Từ ngày chị Cảnh mất, bệnh tình bà Phượng thêm trầm trọng. Bà nằm liệt giường không ăn uống được gì. Mỗi lần thấy cháu đi học về, lại ngồi thu lu khóc nhớ mẹ, lòng bà nhói lên từng cơn. Người bà “như chuối chín cây” ấy chẳng biết làm sao. Bà cố gắng gượng dậy đi làm thuê, nhưng chẳng có ai mướn cả. Mái tranh ghèo run rẩy từng cơn trước cái đói.
Hoàn cảnh như vô tình đẩy hai bà cháu đến bước đường cùng. Nhiều người khuyên bà Phượng cho Quang vào trại trẻ mồ côi. Bởi, bà làm sao có thể nuôi cháu khi đang mang trong người bao bệnh tật, cũng chẳng thể kiếm ra tiền nuôi thân. Thế nhưng, người bà kham khổ không hề muốn như vậy. Bà Phượng nói trong dòng nước mắt: “Giờ tôi phải làm sao? Phải làm sao để có cơm, có cháo nuôi cháu? Làm sao để cháu không phải vào trại trẻ mồ côi. Tôi chỉ còn mỗi mình nó thôi!”
Dường như cảm nhận được số phận không may, cậu bé Lê Quang càng sống trong nỗi sợ hãi. Gương mặt của em chẳng còn nét hồn nhiên của đứa trẻ mới 6 tuổi. Nó chất chứa bao đau buồn, lo âu, sợ hãi… như người đã trải qua nhiều đắng cay. Mấy ngày nay, cháu đã ít gọi tên bố mẹ. Quang chỉ khóc và luôn miệng ngồi bên giường bệnh, lay gọi bà: “Bà ơi! Cho cháu sống với bà mãi. Bà ơi! Cháu muốn ở nhà mình thôi”…
Những lời nói ấy như mũi kim đâm vào tim bà Phượng. Bà không dám trả lời câu hỏi của cháu. Tâm trí người phụ nữ bệnh tật quay cuồng nghĩ đến tương lai mịt mờ khổ đau.
[center]Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Bà Hoàng Thị Kim Phượng: (thôn Nại Cửu, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) [/center]
|
|