4 người tâm thần SieuthiNHANH2010112532847mwu3mty4ng281641

Chuyện cha mẹ nuôi con khôn lớn rồi hy vọng cậy dựa vào con lúc tuổi già là điều tất nhiên trong cuộc sống. Nhưng với bà Lê Thị Cảnh ở Thị Trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, Bình Thuận, thì có lẽ chẳng bao giờ vợ chồng bà dám mơ về một ngày sống bình an chứ nói chi đến nhờ vào con cái, bởi gia đình bà có đến 4 người con điên. Điều mong ước duy nhất của vợ chồng bà là làm sao có cái ăn hằng ngày cho đám con ngây dại này.
Mẹ thương con có hay chăng …





Chúng tôi hỏi đường về nhà bà Lê Thị Cảnh ở Thị Trấn Chợ Lầu, Bình Thuận, một ngôi làng nằm giữa cánh đồng xanh êm ả với con đường làng xinh xinh. Nhắc đến bà Cảnh ai cũng biết: gia đình có 4 đứa con điên chứ gì! Bốn người điên: Nguyễn Thị Phương Trang, 39 tuổi, Nguyễn Hữu Trí , 37 tuổi, Nguyễn Thị Nhã Trúc, 35 tuổi và Nguyễn Đức Tánh 20 tuổi. Và thời gian gần đây thì thêm một người con trai nữa tâm tánh cũng có lúc bất thường.
Ngôi nhà của bà Cảnh trống huơ trống hoắc, được xây chắp vá cách đây độ 10 năm do một linh mục vận động vài người hảo tâm động lòng trước cảnh quá cùng khốn của gia đình, đến nay đã xuống cấp dột vá lung tung. Hỏi người phụ nữ hàng xóm, cô cho biết bà Cảnh và chồng đang ở ngoài ruộng. “Thật tội nghiệp, vợ chồng bà Cảnh khốn khổ cả vật chất và tinh thần mấy chục năm nay, biết khi nào mới thoát khỏi cảnh sống này!”, cô nói.
Bà Cảnh và chồng tất tả chạy từ đồng về bởi nghe nhắn về gấp cứ tưởng con mình lại lên cơn phá phách. Chúng tôi theo bà vào nhà. Gian ngoài lỏng chỏng bộ bàn ghế cũ và trên tấm phản có một người đàn ông da bọc xương nằm gầm gừ lảm nhảm một mình. Lấp ló căn phòng phía sau là hai gương mặt nữ lơ ngơ, thân hình gầy còm, nhìn chòng chọc vào chúng tôi rồi phá lên cười. Một cảm giác rờn rợn chạy dọc xương sống, tôi nhích ghế ngồi gần người bạn đi cùng, bầu khí giống như một trại tâm thần thu nhỏ.
Chuyện gia đình được bà kể lại trong nước mắt. Bà tên Lê Thị Cảnh, 63 tuổi, còn chồng là Nguyễn Toàn, 65 tuổi. Bà có 8 người con, trong đó có 4 người bệnh tâm thần. Bà nói: “Con mình sinh ra, dù không là người bình thường vẫn là con. Mấy chục năm trời vợ chồng tôi tìm đủ mọi cách, làm đủ mọi nghề để nuôi con. Vừa lượm vừa mua ve chai, làm ruộng, bán cà rem dạo … từ làng này đến làng kia. Có người giúp chút vốn chăn nuôi heo, nhưng rồi 17 con heo thịt bị dịch chết trong 1 ngày. Một tuần sau 3 con heo nái cũng chết. Tai hoạ dồn dập, khổ quá không còn nước mắt để mà khóc”. Chồng bà vừa vỗ vỗ vai vợ trấn an vừa tiếp lời: “Cũng nhờ người này người kia thỉnh thoảng cho chút tiền để mua gạo cho chúng nó, nhưng chẳng thấm vào đâu. Vừa rồi vợ chồng tôi chạy vạy khắp nơi chuộc được miếng ruộng để làm thì lại gặp hạn hán mất trắng. Sau năn nỉ quá người ta cũng cho mua nợ giống và phân để làm, nhưng thu hoạch lại mất mùa. Nợ chồng nợ, nghèo chất nghèo, còn thêm món nợ ngân hàng 10 triệu cho hộ nghèo vay đã mấy năm nay cũng không biết lấy đâu để trả”.
Nói đến đây, đến lượt ông Toàn sụt sùi: “Gia đình quá túng thiếu phải chạy vay đập đầu này vá đầu kia. Khổ nhất là phải lo cho các cháu ăn. Một miệng không làm mà ăn đã núi lở, mà đây đến 4 đứa. Mà người điên nó ăn khoẻ lắm, ăn chẳng biết no. Mới sáng sớm đã đòi ăn, chưa kịp nấu là chúng chửi cả hàng xóm, rồi giành nhau ăn, đánh nhau, cào xé áo quần nhau. Ăn không no chúng nó chửi và rượt đánh vợ chồng tôi. Mà trong nhà thường không có tiền, vợ tôi phải nấu cháo cho cả nhà ăn, nhiều khi phải nhịn để chúng ăn”. Ngừng một chút ông nói tiếp, “nhiều khi cùng cực quá muốn chết đi cho xong, nhưng thương con lắm, nếu chết đi thì ai lo cho chúng, thì cứ sống được ngày nào hay ngày ấy thôi. Đã vậy, nay giếng nước bị ô nhiễm 3 hầm cầu cách giếng có 1m. Ai nấy đều dời đi, nhưng nhà tôi ngặt quá nên cũng để vậy thôi”.
Nỗi ước mong vô vọng

Vợ chồng bà Cảnh và 4 đứa con tâm thần (4 người trên phản ở giữa)

“Những người con khác của gia đình thế nào?”, bạn tôi rụt rè hỏi. Bà Cảnh vừa ngưng khóc lại ràn rụa nước mắt. Bà kể, người con cả lập gia đình sống trên rẫy làm thuê cũng nghèo khổ chẳng giúp được gì. Đứa con trai kế út hiền lành đang làm việc đồng áng giúp cha mẹ bỗng gần đây nổi lên những cơn kích động đập phá đồ trong nhà, đánh cả cha mẹ. Và tâm tính trở nên bất thường, có nhiều dấu hiệu thần kinh khiến ông bà vô cùng lo sợ, muốn đưa con đi chữa trị nhưng chẳng có tiền. Chỉ cô gái út, tên Nhã Tố, là niềm vui nhỏ nhoi và hy vọng của gia đình. Tố đang theo học lớp Trung cấp Sư Phạm Mầm Non vào mùa hè, trong năm thì làm bảo mẫu cho một trường mầm non gần nhà mỗi tháng được vài trăm ngàn phụ cha mẹ nuôi các anh chị. Thể chất của Tố khá yếu, nên cũng đau bệnh luôn. Mỗi mùa hè, ba mẹ lại phải chạy vạy lo học phí 2, 5 triệu cho em. Thêm tiền ăn tiền ở vì Tố học ở thành phố Phan Thiết không có ai thân thích. Biết mình là hy vọng của cả nhà, nên Tố ra sức học mong có được tấm bằng để làm việc có tiền đỡ đần phần nào cho cha mẹ. Nhưng học xong rồi biết kiếm việc ở đâu. Nghèo đi liền với khó.


Gương mặt vô hồn của một cô con gái


40 năm, đấy có thể là một quãng đời bình thường với đời người, nhưng với vợ chồng bà Cảnh thì đó là gần 15 ngàn ngày đằng đẵng không một niềm vui bởi mỗi ngày là một cuộc chiến đấu thật sự với đời sống. “Làm gì có tiền để mua gạo cho con?” là câu hỏi không lúc nào rời khỏi suy nghĩ của hai người. Có người gợi ý bảo xin gởi bớt vào trại tâm thần, ông bà phần vì thương con, phần vì nhà quê chẳng biết liên hệ xin ở đâu mà người ta chịu nhận nên cũng chưa biết làm thế nào.




Nhà bếp trước căn phòng nhốt 2 con gái riêng


Bây giờ, với vợ chồng bà Cảnh, chỉ ước ao làm sao có phép mầu để trả được món nợ vay của ngân hàng cùng với số nợ của các cửa hàng đã ứng trước phân giống cho vợ chồng bà làm ruộng. Nữa thì có thêm chút vốn để ông bà đầu tư vào mảnh ruộng kiếm gạo nuôi 4 đứa con tâm thần, dư ra thì đóng học phí cho bé út và đưa cậu con trai đi chữa bệnh. Vâng, chỉ có thế thôi, nhưng với vợ chồng bà thì gần như vô vọng!
Câu chuyện của chúng tôi bị đứt ngang vì tiếng hét thất thanh từ dưới bếp vọng lên, hai đứa con trai tâm thần đang xúm giành cái gì đó từ tay đứa con gái với đít quần bê bết phân. Ông bà không kịp chào chúng tôi đã vội lao vào đám con …


Thành viên viết bài

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hương
422 Trần Hưng Đạo, TP Phan Thiết
ĐT: 0974476446
Email: mariahonghuong@gmail.com