Trang ChínhTrang Chính  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr...

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
vboyforum
[Mod] Hoàng Thân
[Mod] Hoàng Thân
avatar

Bài viết Bài viết : 13
Tiền Zr Tiền Zr : 14337

Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Empty
Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Empty19/6/2011, 03:48

ĐI TÌM GIỚI TÍNH THỨ BA QUA HÌNH TƯỢNG “NGƯỜI CỪU” TRONG TRUYỆN NGẮN “ĐƯỜNG CÂY XANH Ở SYDNEY ” CỦA HARUKI MURAKAMI




I. GIỚI THUYẾT VỀ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM:


Haruri Murakami sinh năm 1949 ở Cố đô Kyoto , lớn lên tại Kobe . Ngay từ thuở nhỏ, Murakami đã có khuynh hướng phản kháng đối với văn hóa truyền thống. Ông mê mải với các tác phẩm của các tác giả Châu Âu thế kỷ XIX: Balzac, Flaubert, Chekhov, Dostoevsky,… Và ông yêu thích nhạc Âu Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz… Ông từng cùng vợ mở một quán nhạc Jazz, rồi sống lang thang ở nhiều nước châu Âu và trở thành thành viên hiệp hội các nhà văn Princeton .


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621092533873


Murakami bắt đầu viết văn từ năm 1978 bằng tác phẩm “Lắng nghe gió hát” (Kaze no uta wo kike – Hear the Wind sing) và từ đó trung bình mỗi năm cho ra mắt độc giả một tập sách. Thành công lớn của tiểu thuyết Rừng Na Uy (Norwegian Wood - 1987) đã khiến ông trở thành một thần tượng văn hóa đại chúng và là nhà văn quan trọng nhất, được đọc nhiều nhất của Nhật Bản sau Kenzaburo Oe. Từ đó đến nay, gần 30 năm hoạt động trên văn đàn, tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới.


Murakami - một "người Nhật kỳ lạ". Kỳ lạ vì trong văn chương của ông vẫn tràn đầy các biểu tượng truyền thống của văn hóa Nhật, đặc biệt là những nhân vật luôn cô đơn và thích tự tử, tràn đầy một không gian chơi vơi giữa thực và ảo, giữa hiện tại và phi hiện tại, giăng mắc đan dệt những quan hệ không định tính cũng chẳng định hình được: mẹ - con, anh - em, tình nhân, bè bạn...


Nhưng tất cả những cảm giác về không gian văn chương Nhật truyền thống ấy không lấn át nổi một Murakami hiện đại, mới mẻ, lạ lẫm và đầy hấp dẫn. Hầu hết các tác phẩm của ông đều ít nhiều đề cập đến tình dục và giới tính. Các tác phẩm như “Rừng Na Uy” (Norwegian Wood), “Biên niên ký chim vặn dây cót” (The Wind – up Bird Chronical), “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” (South of the Border, West of the Sun)… đều có các tình tiết sex. Và đặc biệt ở “Rừng Na Uy”, “Kafka bên bờ biển” (Kafka on the Shore), “Người tình Sputnik” (Sputnik Sweetheart), ông đã đi sâu vào vấn đề đồng tính. Rất khác biệt nữa là trong dòng văn chương thiên về sự tinh tế và bi tráng của xứ Phù Tang, trong cái buồn bã cố hữu của những tâm hồn Nhật đầy nhạy cảm, lúc nào cũng thấy Murakami vừa thản nhiên khe khẽ kể chuyện, vừa nháy mắt cười hóm hỉnh.


Cũng vì thế mà những đoạn kết buồn thảm kiểu Nhật dường như đã trở nên nhẹ bẫng trong các câu chuyện của ông. Nó đã được thổi vào hơi thở hiện sinh phương Tây theo cách của Murakami - nhà văn “được công nhận là một trong những tiểu thuyết gia của thế kỷ 20 quan trọng nhất của Nhật Bản” - theo từ điển bách khoa Columbia ấn bản năm 2000.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621093435736


Phong cách Haruki Murakami định hình từ tác phẩm thứ ba của ông là tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu theo con Cừu” (Hitsuji wo meguru bôken – A wild Sheep chase) xuất bản năm 1982, được trao giải “Tác giả Mới Noma” trong năm, pha trộn những chi tiết trinh thám đen với những ảo giác và bí mật siêu hình. Nhân vật của ông có những giá trị quan điểm khác lạ với truyền thống xã hội Nhật: ham mê âm nhạc mới, phim ảnh mới Âu Mỹ. Những đặc điểm đó hấp dẫn tâm tình giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc của văn hóa truyền thống Nhật Bản.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621092637561


Và cũng chính từ “Cuộc phiêu lưu theo con Cừu”, Haruki Murakami đã tiếp tục với truyện ngắn “Đường cây xanh ở Sydney ” (Shidonino Gurinu – Green street in Sydney ) đăng trên tạp chí Umi số Đặc biệt tháng 12 năm 1982.


Trong lời tựa của một tập truyện ngắn, ông viết: “Đối với tôi, viết tiểu thuyết là thử thách, viết truyện ngắn là niềm vui. Nếu ví việc viết tiểu thuyết như trồng một khu rừng, thì viết truyện ngắn giống như tạo một mảnh vườn nhà. Hai công trình ấy bổ túc cho nhau, tạo ra cảnh trí mà tôi yêu thích”.


Việc đọc Haruki từ các truyện ngắn là một sự “cảm nhận xuất chúng về hiện thực huyền ảo” với những “độc thoại triền miên về nỗi sợ hãi” và “những tình tiết đào sâu xuống nhiều tầng ý nghĩa”, như nhận xét của Chủ tịch Hội đồng thẩm định trao giải Frank O'Connor, ông Tom McCarthy, “đọc xong tác phẩm của Haruki, những hình tượng và tình huống ông sáng tạo ra, vẫn còn lưu lại lâu dài khó quên”.


Câu chuyện “Đường cây xanh ở Sydney” xoay quanh những nhân vật có tên gọi là “người Cừu” (Sheep Man) và “Bác học Cừu” (Sheep Professor), đó là những con người khác lạ với xã hội bình thường, nhưng họ “không phải là hội kín, hay tổ chức cách mệnh, hay đoàn thể tôn giáo gì gì đâu…”. Họ chỉ là những “người Cừu”, “muốn sống đời người cừu trong hòa bình… Muốn suy nghĩ như người cừu, ăn uống như người cừu, lập gia đình như người cừu…


Vậy những “người Cừu”, những “Bác học Cừu” ở đây là những ai? Tại sao họ lại muốn sống kiếp “người Cừu”? Đó là câu hỏi mà hầu như những ai đã đọc tác phẩm “Đường cây xanh ở Sydney ” đều đặt ra.


II. ĐI TÌM GIỚI TÍNH THỨ BA QUA HÌNH TƯỢNG NGƯỜI CỪU:


1. Từ sự khác thường trong Green street in Sydney …


Hầu hết những tác phẩm của Haruki Murakami đều đậm chất siêu thực. Green street in Sydney tuy là một truyện ngắn, nếu không muốn nói là một mẩu truyện nhỏ được Murakami lượm lặt. Tuy vậy, bất kỳ độc giả nào khi đọc xong truyên ngắn này, cũng đều nhận thấy bóng dáng siêu thực của tác giả. Dường như, đối với Murakami, những cái không thể giải thích, những cái khó hiểu lại chính là những nguyên-vật liệu ưa thích để ông chế tác tác phẩm của mình. Và cũng thật lạ là không bao giờ tác giả giải thích những chi tiết ngược đời, khó hiểu trong tác phẩm. Lẽ thông thường tác giả sẽ lí giải hay gợi ý cho độc giả ngầm hiểu nguyên nhân, nhưng Murakami đã bỏ rơi độc giả chết chìm trong một đống sự kiện bí ẩn, buộc độc giả phải mặc nhiên chấp nhận và suy ngẫm. Mở đầu tác phẩm, Haruki Murakami miêu tả về Đường Cây Xanh - Green Street như một cách giới thiệu cho người đọc khỏi bỡ ngỡ trước sự “trái khoáy, ngược đời” một cách kỳ lạ của câu chuyện. “Đường Cây Xanh ở Sydney thật ra không khoái thích như bạn tưởng tượng từ cái tên ấy đâu, tất nhiên là tôi tưởng tượng rằng có lẽ bạn sẽ tưởng tượng như thế…” Đó là một con đường trái ngược hẳn với cái tên của nó: không có lấy một cây cối nào cả, cả bồn cỏ, công viên hay vòi nước uống cũng không có. Không những thế, đây lại là con đường u ám nhất trong cả thành phố Sydney “Chật hẹp, đông đúc, chen chúc mà bẩn thỉu, nghèo nàn, hôi hám, cũ kỹ, kém an ninh, lại thêm khí hậu xấu tệ. Mùa hè thì lạnh ngắt, mùa đông thì nắng cháy da…”.


Mùa hè thì lạnh ngắt, mùa đông lại nắng cháy da…” Đó là điểm trái ngược lớn ở Đường Cây Xanh. Tại sao khí hậu lại kỳ lạ đến thế? Ắt hẳn những người dân Australia đều nghĩ rằng mùa nóng luôn là mùa hè, mùa lạnh vẫn là mùa đông. Nhưng ở Đường Cây Xanh – Green Street thì nó lại không theo cái lối khí hậu bình thường đó. Ở nơi đây dường như mọi thứ đều có, ít hoặc nhiều, sự khác thường trong bản chất. Nhưng không hẳn khác thường là không tốt hay không thể nào xảy ra “…chuyện trên đời này không thể nào quyết đoán một cách đơn giản như thế được…” Không có gì là tuyệt đối. Không hẳn hễ trời lạnh là ta coi đó là mùa đông, mà trời nóng ta coi là mùa hè được. Hoàn toàn có thể có những ngày ấm áp liên tiếp ngay trong mùa đông, và ngược lại. Không gì là tuyệt đối nên “…lối suy nghĩ “Mùa đông thì không lạnh không được” ấy có vẻ phiến diện quá…”. Với Haruki Murakami, sự trái ngược trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta, những điều đó xứng đáng được chấp nhận và được tôn trọng.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621093455920


Murakami là vậy, con đường u ám nhất ông lại gọi là đường cây xanh, mùa đông đối với ông là nắng cháy da, mùa hè lại lạnh ngắt. Cái khó hiểu ấy lại là điều mà Murakami bắt độc giả của mình phải chấp nhận như là một chuyện hiển nhiên, như mặt trời mặt ở phương Đông vậy.


2. …đến biểu tượng người Cừu.


Sự lạ thường không dừng lại ở đấy, “người Cừu” bước vào văn phòng thám tử tư của nhân vật “tôi” ở Đường Cây Xanh đã khiến người đọc càng thêm ngạc nhiên về những điều lạ thường trong cuộc sống. “Người cừu đội lốt cừu. Không phải thứ lốt cừu sơ sài làm bằng vải, mà làm bằng da và lông cừu thật. Có đủ cả đuôi cừu và sừng nữa. Chỉ có phần tay, chân và mặt là chừa trống. Ngang mắt có mặt nạ đen. Vì lý do gì mà người đàn ông này lại phải đội lốt cừu như thế, tôi chẳng hiểu. Đang là cuối thu mà đóng bộ kiểu ấy hẳn là toát mồ hôi ra đấy. Vả lại, đóng bộ thế mà ra đường thế nào cũng bị tụi trẻ con trêu chọc nữa. Khó hiểu thật…” Cách ăn mặc của “người Cừu” không bình thường, hay có thể nói là khác lạ so với những người bình thường. Ông đội lốt cừu một cách khá cầu kỳ và chải chuốt, chứng tỏ ông khá coi trọng cách ăn mặc như thế. “Người Cừu” trong tác phẩm có sở thích ăn mặc thật kỳ lạ so với người bình thường, nhưng ông không sợ sự trêu chọc của người đời mà ngăn cản bản thân thể hiện đúng bản chất và ý thích của ông. Đến đây, bất kỳ độc giả dễ tính nào cũng tự hỏi “người Cừu” là ai? Tại sao một con người lại ăn mặc không bình thường đến vậy? Và hàng loạt các câu hỏi khác cứ tự nhiên đến, giống như đã được Murakami lập trình sẵn cho độc giả vậy.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621092626755


Dĩ nhiên, nói đến cái khác thường trong tác phẩm của Murakami thì dù bao nhiêu trang giấy cũng không nói hết được. Tự hỏi, có phải Murakami đang dùng những cái khác thường ấy để che giấu điều gì đó, và dùng cái khác thường ấy để che mắt bạn đọc? Và nếu suy nghĩ theo hướng đó, thì những nhân vật khó hiểu như “người Cừu”, “Bác học Cừu” phải chăng chỉ là những hình tượng bị ẩn dụ đi bởi tác giả. Một nghi vấn lớn hơn bắt đầu xuất hiện, bắt nguồn từ cách ăn mặc của “người Cừu”, như tác giả đã viết : “Người cừu đội lốt cừu. Không phải thứ lốt cừu sơ sài làm bằng vải, mà làm bằng da và lông cừu thật. Có đủ cả đuôi cừu và sừng nữa…. Có phải chăng Murakami đang muốn đề cập đến lối ăn mặc khác thường của một số người thuộc giới tính thứ ba? Họ ăn mặc theo lối mà họ ưa thích để khẳng định bản thân. Điểm chung của “người Cừu” là họ đều đội lốt cừu, cũng như điểm chung của những người thuộc giới tính thứ ba là họ thường mặc trang phục hoặc phụ kiện bảy màu sặc sỡ. Cờ cầu vồng bảy màu đã trở thành một biểu tượng chung cho những người thuộc giới tính thứ ba trên toàn thế giới, thì ở “Đường cây xanh ở Sydney ”, lốt cừu đã trở thành biểu tượng chung cho giới “người Cừu”.


3. Cờ bảy màu và biểu tượng con cừu trong giới tính thứ ba:


a. Cờ bảy màu…


Năm 1978 là thời điểm đánh dấu sự ra đời của lá cờ cầu vồng đầu tiên được thiết kế bởi một nghệ sĩ người San Francisco có tên là Gilbert Baker. Cờ cầu vồng do Baker thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh của lá cờ “Racing Flag”- lá cờ thường xuất hiện trong các giải đua mô tô tốc độ. Cờ cầu vồng ban đầu gồm tám đường vạch, mỗi đường vạch mang một màu sắc khác nhau: Đường vạch thứ nhất là màu hồng, đường vạch thứ hai là màu đỏ, lần lượt sau đó là các màu như vàng, cam, xanh da trời, xanh lá cây, chàm và tím.Theo Baker thì màu hồng tượng trưng cho tính dục, màu đỏ tượng trưng cho cuộc sống, màu vàng là hình ảnh của mặt trời, màu cam là hình ảnh của vết thương, xanh da trời biểu tượng của thiên nhiên, xanh lá cây biểu tượng của nghệ thuật, chàm biểu tượng cho sự hòa hợp và màu tím tượng trưng cho tâm hồn.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621092616716


Không lâu sau đó, Baker đã đề xuất với một công ty chuyên sản xuất cờ có tên là Paramout nằm ở San Francisco về việc bán ý tưởng của mình và để sản xuất giới thiệu lá cờ ra thị trường. Nhưng thật đáng tiếc, bởi vì chính Baker đã tự tay nhuộm lấy lá cờ và màu hồng đậm, xét về mặt thương mại, là màu không được sử dụng trong lĩnh vực này nên việc sản xuất hàng loạt cờ cầu vồng để tung ra thị trường đã không thể. Vì vậy, đường vạch màu hồng đã bị hủy bỏ. Như vậy, cờ cầu vồng lúc này chỉ còn bảy màu thay vì tám màu như trước đây.


Tháng 10 năm 1978, người giám sát thành phố San Francisco – một người đồng tính tự công khai có tên là Harvey Milk bị ám sát. Điều này đã khiến cộng đồng đồng tính của thành phố hết sức choáng váng. Và chính bi kịch đó đã dẫn đến cuộc diễu hành vào năm 1979. Mục đích của cuộc diễu hành là để những người xung quanh nhận thấy sức mạnh và tinh thần đoàn kết của cộng đồng Gay. Và Uỷ Ban diễu hành đã quyết định chọn lá cờ cầu vồng do Baker thiết kế làm biểu tượng. Nhưng vì lá cờ có bảy màu nên Uỷ Ban đã hủy bỏ đi một màu (màu chàm) bởi có như thế mới có thể tạo nên sự đối xứng cân bằng giữa hai bên lê đường của lộ trình diễu hành. Mỗi bên đều có ba màu. Đó chính là lý do tại sao Lá cờ cầu vồng chúng ta thấy sáu màu chứ không phải là tám màu như trước kia.


Năm 1989, một người có tên là John Stout đã thắng kiện ông chủ nhà về việc cấm John không được treo cờ cầu vồng trên ban công căn hộ nơi anh ấy ở. Vụ kiện đã khiến cho lá cờ này được biết đến trên khắp toàn bộ nuớc Mỹ. Ngày này cờ cầu vồng đã được công nhận trong Hội nghị toàn cầu do những nhà sản xuất cờ tổ chức và Lá cờ cầu vồng là vật không thể thiếu trong những cuộc diễu hành của cộng đồng Gay và Lesbian như là biểu tượng của niềm tự hào. Tuy nhiên biểu tượng ban đầu của cờ cầu vồng là sự đa dạng, tính bao gồm, niềm hy vọng và sự mong mỏi.


b. …và biểu tượng con cừu.


Buổi ban đầu, lá cờ cầu vồng là biểu tượng duy nhất cho giới đồng tính. Tuy nhiên, sau đó giới đồng tính đã chọn hai biểu tượng nữa để tượng trưng cho đồng tính nam và đồng tính nữ.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621092554391


Trên trang Web: VSolaris.com có viết: “Sometimes women and men symbols based on the astrological symbol for Vernus (representing female) and Mars (male representative) are used to create an icon for gay and lesbian”. Tạm dịch là: “Các ký hiệu đôi nữ giớiđôi nam giới dựa trên biểu tượng chiêm tinh do Venus (đại diện cho nữ giới) và Mars (đại diện cho nam giới) được sử dụng để tạo biểu tượng cho gay và lesbian”. Mars - Sao Hỏa, “hành tinh màu đỏ”, chế ngự lửa, cái nóng và sự nguy hiểm. Trong chiêm tinh, nó tượng trưng cho sức mạnh, năng lực, những hành động mang tính sáng tạo và sự nam tính. Hành tinh được đặt theo tên của Mars, vị thần La Mã của Chiến tranh, sự màu mỡ và thực vật. Ông cũng là người tình của thần Tình yêu Venus. Vị trí và ý nghĩa của ông tương đương với thần Hy Lạp Aries.


Theo cung hoàng đạo của Hy Lạp (12 cung tương ứng với 12 ngôi sao hành tinh, bao gồm cả Diêm Vương Tinh đã bị các nhà khoa học xóa khỏi danh sách các hành tinh hệ mặt trời): Cung Bạch Dương được Hỏa Tinh bảo hộ, tượng trưng cho thần chiến tranh Mars trong thần thoại La Mã (Aries trong thần thoại Hy Lạp). Tên cung Aries bắt nguồn từ tiếng La tinh, có nghĩa là cừu đực. Biểu tượng cừu đực cũng gắn liền với vị thần Ai Cập cổ đại Amimun hay Amon, tượng trưng cho cuộc sống và sự sáng tạo. Cừu đực luôn chiến đấu với mọi sự đối lập, chúng quyết đoán, can đảm và tràn đầy sinh lực.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621092605867


Ở đây có sự liên hệ đến tác phẩm Green street in Sydney, Murakami đã chọn biểu tượng lốt cừu làm biểu tượng chung cho nhóm người Cừu. Và rõ ràng, xem con cừu là biểu tượng cho đồng tính nam, thì “người Cừu” và “Bác học Cừu” chính là những người đồng tính nam bị ẩn dụ đi bởi tác giả. Và hãy xem, “người Cừu” và “Bác học Cừu” được Murakami xây dựng trong tác phẩm có những đặc điểm gì của những người thuộc giới tính thứ ba này?


Để giải thích vấn đề đặt ra ở trên, ta sẽ có ba tiêu chí đặt ra :


- Giới tính thứ ba thường thể hiện khuynh hướng nghệ thuật.


- Giới tính thứ ba khao khát thể hiện mình.


- Tính dục trong giới tính thứ ba rất mạnh mẽ.


· So với người bình thường, cách ăn mặc của “người Cừu” thật độc dị, không giống ai. Đấy là bộ lốt được may từ bộ lông của con cừu thật, rất cầu kỳ và cũng thật đặc trưng. So với những gì ở Đường cây xanh mà vị thám tử tư nhìn thấy: “…một kẻ không nhà nghiện rượu da rám nắng đang xoạc một chân xuống rãnh nước ngủ trưa… một thằng nhóc du đãng bộ dạng nghênh ngang… một con mèo bệnh trụi lông hết nửa… tường nhà bằng gạch dính những vết nôn mửa khô…”, thì rõ ràng, “người Cừu” ở một vị trí khác, bộ dạng bên ngoài được trau chuốt kỹ càng và bóng bẩy hơn nhiều. Thêm một điều nữa, hãy nhìn ngôi nhà của “Bác học Cừu”, hoàn toàn khác lạ so với một con người thô tục và nghênh ngang, “…nhà nhỏ bằng gạch, vườn trước trồng hoa hồng đang nở. Trông chỉnh tề lạ lùng so với con đường Green Street này… cửa sổ treo màn đăng ten màu trắng. Thật im vắng tĩnh lặng, không sao nghĩ được chỗ ở của một nhân vật đã làm những chuyện như rứt đứt tai của người cừu…. Rõ ràng, so với những người xung quanh, “người Cừu” và “Bác học Cừu” là những người chuộng cái đẹp, cầu kỳ và rất khắt khe với những biểu hiện bên ngoài.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621093506812


· Ta xem Murakami giải thích gì về “người Cừu”, họ là ai? Họ “…không phải là hội kín, hay tổ chức cách mệnh, hay đoàn thể tôn giáo gì gì đâu. Cơ bản là chúng tôi chỉ là những người cừu, và chỉ sống đời người cừu trong hòa bình mà thôi…” Những “người Cừu” họ cũng có khao khát được khẳng định mình, được xã hội chấp nhận và tôn trọng. Họ cũng có cuộc sống bình thường theo cách riêng của họ, cũng như người ta có cách sống bình thường của người ta mà thôi “…Muốn suy nghĩ như người cừu, ăn uống như người cừu, lập gia đình như người cừu. Được thế, chúng tôi mới đúng là người cừu…” Họ khao khát được sống thật với bản chất con người của họ để có được một “đời người cừu” đúng nghĩa. Trong khi đó, “Bác học Cừu” không phải là người không biết khao khát thể hiện mình. Đơn giản, “Bác học Cừu” là người thụ động, không dám đối diện với sự thật. Chính những dồn nén của cảm xúc đã khiến “Bác học Cừu” thù địch với chính những biểu hiện của “người Cừu”.


· Phần 17 của tác phẩm, Charlie nói: “…Hai người chưa từng đọc Freud hay Jung sao chứ ? ” và ở phần 20, Murakami viết : “…Bác học cừu đã trở thành người cừu như sở nguyện. Ông lão mỗi ngày đội lốt người cừu đến quán Charlie ăn pizza. Bác học cừu kiêm người cừu có vẻ hạnh phúc tột cùng. Được thế hoàn toàn là nhờ ở Freud cả…”. Freud không phải là nhân vật hư cấu trong tác phẩm của Murakami, mà Freud là nhà phân tâm học người Áo. Trong quá trình thuyết phục “Bác học Cừu”, Charlie đã sử dụng thuyết phân tâm học của Freud [1]


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621093445783


. Phân tâm học có thể được coi như một ngành của thần kinh bệnh học và chỉ áp dụng cho những trường hợp khó khăn nhất là rối loạn nhân cách. Cho nên, phân tâm học có thể được định nghĩa như một phương pháp dùng để trị những bệnh rối loạn tâm lý và thần kinh. Theo Freud, mọi đau buồn, sầu khổ của con người bắt gặp trong cuộc sống đều do tính dục mà nên và ông đã nâng bản năng tính dục và thèm khát nhục dục lên thành yếu tố đầu tiên và mạnh mẽ nhất trong việc tạo thành nhân cách con người, đồng thời là nguyên nhân sâu xa của mọi bệnh tâm thần. Trong lý thuyết của Freud, ông đề cập đến chứng tâm thần phân liệt. Sử dụng những triệu chứng của bệnh thần kinh phân liệt làm lăng kính chiếu lên “Bác học Cừu”, thì rõ ràng có nhiều điểm trùng lặp. “Bác học Cừu” sống tách biệt với xã hội, quát tháo, nổi nóng với bất kể ai. Có những hành động kỳ quặc như cắt tai của “người Cừu” làm bộ sưu tập… Và nguyên nhân sâu xa của chứng bệnh chính là sự dồn nén những khao khát về tính dục, thường xảy ra do những tổn thương từ lúc còn thơ ấu. Freud quan niệm: “…điều hay nhất mà con người có thể hy vọng là một cuộc ngừng bắn giữa đòi hỏi của bản năng và sự cân bằng đối kháng của văn hoá”, nghĩa là chính sự đòi hỏi những cân bằng ấy vô hình chung đã đẩy con người vào hố sâu của sự dồn nén. Vì xã hội buộc mỗi con người phải kiềm chế nhiều ham muốn, theo cách nói của Freud thì mỗi cá nhân đã vô tình tích trữ nhiều “dồn nén”. Bình thường thì ý thức con người vẫn thành công trong việc ngăn trở, không cho “những sức mạnh vô thức đen tối” bị dồn nén kia xuất hiện. Nhưng sự kiểm soát ấy có thể làm cho những con bệnh tâm thần trải qua những giai đoạn xúc cảm bị rối loạn sâu xa. Đặc biệt, trong bài viết Ba bài Tiểu luận về Học thuyết Tình dục, Freud đã nói : “…phải có tự do hơn trong tình dục, và từ chối coi đồng tính luyến ái là phạm tội, hay mắc bệnh tâm thần”. Và nhìn nhận từ vấn đề này, có thể lý giải những hành động kỳ quặc của “Bác học Cừu”.


ð Từ những lập luận trên, không phải là không có cơ sở khi ta xem hình tượng “người Cừu” và “Bác học Cừu” chính là những đại diện cho những người thuộc giới tính thứ ba trong xã hội.


4. Mối quan hệ giữa “người Cừu”, “Bác học Cừu” và những người thuộc giới tính thứ ba trong xã hội thực:


Khi “người Cừu” yêu cầu nhân vật “tôi” giúp lấy lại cái tai trong bộ trang phục cừu của ông thì nhân vật “tôi” đã tỏ ra chút gì đó sửng sốt “Từ trước đến nay có khi nào tôi suy nghĩ chuyện loài cừu có tai như thế nào đâu. Bây giờ mới để ý tai cừu phẳng lì, đâm ngang ra, ve vẩy…” Truyện ngắn “Đường cây xanh ở Sydney ” này được sáng tác khoảng những năm đầu thập niên 80, khi ấy giới tính thứ ba bắt đầu công khai và đòi được chấp nhận trong xã hội ngày càng nhiều. Nổi bật là sự kiện Gay Games được tổ chức tại thành phố San Francisco năm 1982, đã cất tiếng nói cho những người thuộc giới tính thứ ba với thế giới về sự tồn tại của họ. Có lẽ, sự sửng sốt của nhân vật “tôi” trong tác phẩm cũng là sự sửng sốt của tác giả khi ông nhận ra giới tính thứ ba vẫn tồn tại một cách thầm lặng trong xã hội đương thời.


…Chứ trên thế giới này, có đến khoảng ba ngàn người cừu đấy... Ở Alaska, Bolivia, Tanzania, Iceland,… nơi nào cũng có người cừu cả đấy…”. Lời giải thích ấy của “người Cừu” đã khẳng định một cách rõ ràng họ tồn tại ở khắp mọi nơi, ở khắp các châu lục trên thế giới. Đó có phải chăng cũng là tiếng nói chung của những người thuộc giới tính thứ ba về bản thân sự tồn tại của họ? Và cũng phải nói thêm rằng, tại sao Haruki Murakami lại chọn Đường Cây Xanh – Green Street ở Sydney để bắt đầu câu chuyện, chứ không phải ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới? Ông chọn Sydney không hẳn là ngẫu nhiên. Chúng ta vẫn biết đến Lễ hội đồng tính Mardi Gras tổ chức ở Sydney đến nay đã có lịch sử hơn 30 năm. Sydney là nơi có cái nhìn rất thoáng về giới tính thứ ba, và hiện nay chính phủ đã cấm những hành động kỳ thị đối với những người đồng tính. Cho nên, Murakami chọn Đường Cây Xanh ở Sydney để làm bối cảnh cho câu chuyện của ông cũng không hẳn là tình cờ.


Và ta lại một lần nữa liên tưởng đến những người thuộc giới tính thứ ba thông qua hình ảnh “người Cừu”. Cũng như người có giới tính rõ rệt, những người đồng tính cũng có người tốt – kẻ xấu, nhưng đa phần, họ là những người tốt, họ yêu hòa bình, và đôi khi họ còn có xu hướng sống vì cộng đồng hơn cả những người thuộc hai giới tính còn lại. Họ khao khát được chấp nhận, được tôn trọng cuộc sống riêng tư, và cách sống của họ không bị coi là bệnh hoạn, là phạm pháp.


“Người Cừu” muốn sống một cuộc sống hòa bình, không gây cản trở hay ảnh hưởng gì đến xã hội, nhưng xã hội nào có để “người Cừu” muốn sống thế nào thì sống… “Thế nhưng con đường chúng tôi đi có nhiều người muốn cản trở. Nhân vật đại biểu của đám người này là Bác học Cừu. Bác học Cừu tên thật là gì, người nước nào, không ai biết rõ. Mà là một người hay nhiều người cũng chẳng ai biết. Duy chỉ rõ ràng là người già lắm rồi. Và lẽ sống của Bác học Cừu là cắt tai người cừu chúng tôi mà làm sưu tập đó thôi…” Những điều đó đã phần nào thể hiện được nạn bạo hành mà “người Cừu” phải chịu đựng từ một số thành phần người trong xã hội, mà cụ thể ở đây là “Bác học Cừu”, chỉ vì cách sống của họ khác với mọi người “Bởi Bác học Cừu không thích lối sống của người cừu chúng tôi. Nên quấy nhiễu bằng cách cắt tai đi. Lấy đó làm thú vui…” Cũng như “người Cừu”, những người thuộc giới tính thứ ba cũng không được công nhận ở một số nơi và cũng bị bạo hành. Ở những nơi đồng tính bị lên án, những hành vi cụ thể bị coi là tội lỗi hoặc bệnh hoạn, và một số hành vi đồng tính bị luật pháp cấm. Vào khoảng giữa thế kỷ XX, đồng tính không còn bị coi là một căn bệnh, hay bị coi là phạm pháp ở một số nơi, hầu hết là ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, luật pháp dành cho quan hệ đồng tính ở các nước rất khác biệt ở các nước khác nhau. Ở nhiều nơi, vài hành vi đồng tính nào đó là phạm pháp và bị xử rất nặng, bao gồm cả tử hình. Như vậy, những người thuộc giới tính thứ ba vẫn còn chưa được xã hội hoàn toàn công nhận. Họ vẫn phải chịu khá nhiều bất công và cấm đoán.


Nhưng không vì thế mà những người thuộc giới tính thứ ba đó lại oán hận xã hội, oán hận cuộc đời. “Người Cừu” đã có một cái nhìn đầy thiện cảm đối với “Bác học Cừu”, dù cho những cư xử không tốt của “Bác học Cừu” đã dành cho ông “Nhưng mà tôi nghĩ ông ấy cũng không phải là người xấu đến như thế đâu. Có lẽ chỉ vì đã bị ngược đãi đâu đó nên tâm tính thay đổi thành người ngang ngược mất rồi. Cho nên, tôi thì chỉ cần lấy lại tai là đủ. Đối với Bác học Cừu thì tôi không oán hận gì cả…” . “Bác học Cừu”, họ khác “người Cừu” ở chỗ họ chưa nhận ra giới tính thật của mình, vẫn còn ngộ nhận và thắc mắc về bản chất con người thật của họ; hoặc, họ biết rất rõ mình là ai, nhưng không dám công khai thiên hướng tình dục của mình với xã hội. Vì những người thuộc giới tính thứ ba, như đã nói, còn phải chịu khá nhiều bất công, đôi khi cả nạn bạo hành vì chứng ghê sợ đồng tính luyến ái vẫn còn tồn tại khá nhiều trong xã hội. Điều đó làm cho những người thuộc giới tính thứ ba phải chịu đựng những thiệt thòi và gặp rất nhiều khó khăn trong xã hội, đôi khi còn dẫn đến tự tử.


Ở đây, có lẽ “Bác học Cừu” vì sợ hãi không dám thể hiện bản thân mình mà ông đã có những hành động tiêu cực “…Bác học Cừu quát, rồi vớ lấy bình hoa gần đấy mà thẳng cánh đập lên đầu tôi…” Hành động đó không phải vì ông là người xấu, mà đó chỉ là một hành động tự vệ của những người đồng tính khi họ bị xâm phạm vào đời sống riêng tư của mình. Có lẽ vì “Bác học Cừu” đã phải chịu rất nhiều bất công trong xã hội, ông đã trở nên sợ hãi, trốn tránh, chán ghét cuộc sống xung quanh “Dạo này đâm ra chán ghét người ta quá đấy…” nên có một số hành động tiêu cực chăng?


Nhưng điều đó không hề khẳng định bản chất của “Bác học Cừu” là độc ác, hiểu một cách thông cảm, thì thật sự ra ông đang ganh tỵ với cuộc sống của “người Cừu”. “Bác học Cừu” khao khát được sống như “người Cừu” đang sống, khao khát được sống theo đúng bản chất thật con người mình. Nhưng có lẽ vì ông chưa nhận ra được sự khao khát đó; hoặc, ông chưa đủ can đảm để khẳng định mình trước xã hội.


Khi một cô gái hầu bàn, lai Trung Quốc như Charlie, làm việc tại một quán pizza, dẫn nhân vật “tôi” đến nhà và quát tháo “Bác học Cừu”, lại còn đập bình hoa lên đầu ông nữa, nhưng ông lại không hề phản ứng mạnh như lần nhân vật “tôi” đến nhà. Tại sao? Có thể cô Charlie này có ơn gì đó với ông, hay có thể là nhờ Freud. Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì đi nữa, độc giả cũng cảm nhận được tính nhân văn cao cả của Murakami. Đằng sau tính khó hiểu, quái kỳ lại là cả sự cảm thông cao độ của tác giả dành cho “Người Cừu”. Chính Charlie đã giúp cho “Bác học Cừu” nhận ra được ước muốn thật sự của ông: “Ghét bỏ chỉ vì ao ước được như thế đấy thôi… Thật ra ông cũng muốn thành người cừu đấy chứ gì. Thế nhưng lại không muốn thú nhận như thế nên ghét ngược lại người cừu đấy…” Không phải bất kỳ người có giới tính thứ ba nào cũng dám thể hiện con người thật của mình trước xã hội, do vậy, từ những ganh tỵ với cuộc sống của người dám thể hiện cái tôi cá nhân, những người như “Bác học Cừu” lại quay lưng lại với cộng đồng, với cuộc sống. Họ sống khép kín, e dè, và sẵn sàng phản ứng một cách tiêu cực nếu như bị người khác xâm phạm vào thế giới riêng của họ. Có lẽ cũng chính từ đó mà xã hội vẫn còn nghi kỵ và chưa chấp nhận hoàn toàn những người thuộc giới tính thứ ba.


Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Ap_20100621092543211


III. KẾT LUẬN


Murakami là người luôn luôn chống lại những mô thức sẵn có, những mô thức tiền giả lập. Do đó, trong truyện ngắn Đường cây xanh ở Sydney – Green Street in Sydney , Haruki Murakami đã sáng tạo nên một hình tượng mới, hình tượng “người Cừu”, biểu tượng ẩn dụ mới cho giới tính thứ ba. Một thông điệp ngầm mà ông chờ đợi bạn đọc cảm nhận và khám phá thông qua tác phẩm. Cuộc sống của những người đồng tính, những khát khao, những mong muốn của họ, được Murakami thể hiện một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Ta dễ dàng nhận thấy quan điểm cá nhân của ông về người đồng tính là rất thoáng, ông có một cái nhìn đầy cảm thông và thân thiện.


Hiện nay, trên quan điểm pháp luật, hầu hết các quốc gia trên thế giới không cấm đoán quan hệ giữa những người đồng tính. Một số địa phương công nhận đồng quyền, và đối xử những cặp đồng tính như vợ chồng. Một số địa phương khác, như các nước Hồi giáo, không chấp nhận việc quan hệ đồng tính và người quan hệ đồng tính có thể bị phạt tù hoặc thậm chí tử hình.


Ở Việt Nam , có một số người nêu lên quan điểm cảm thông và không kỳ thị đối với người đồng tính, tuy nhiên không ủng hộ hay cổ xúy xu hướng này. Hiện nay không có luật cấm quan hệ đồng tính, nhưng luật hôn nhân và gia đình cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Xã hội chưa có nhiều nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của đồng tính luyến ái, đại bộ phận người dân còn kỳ thị cũng như có những suy nghĩ sai lệch về người đồng tính. Đa số dân chúng có thái độ e ngại hoặc khinh thường và thường đánh đồng người đồng tính và người hoán tính/người chuyển đổi giới tính. Điều này có thể tác động xấu đến không chỉ những người đồng tính mà còn đến xã hội nói chung. Tuy đồng tính luyến ái bắt đầu được đề cập trong một số tác phẩm nghệ thuật, và một số nhân vật lên tiếng kêu gọi xã hội có thái độ tích cực đối với người đồng tính, cũng như một số hoạt động dành cho giới này được tổ chức, đồng tính luyến ái ở Việt Nam, nhưng lại chưa thực sự được quan tâm một cách đầy đủ và cần thiết.


Qua hình tượng nhân vật “người Cừu” và “bác học Cừu” trong truyện ngắn Đường cây xanh ở Sydney, Haruki murakami đã khéo léo gửi đến cho người đọc một thông điệp về người đồng tính. Xét cho cùng họ vẫn là con người. Họ khao khát được sống theo sở nguyện của họ, đúng với bản chất của họ, như vậy họ mới thật sự sống một cách hạnh phúc. Những người khác có quyền mưu cầu hạnh phúc thì họ cũng vậy. Xã hội nên đối xử một cách công bằng hơn với những người thuộc giới tính thứ ba.


NGUYỄN TƯỜNG HÂN (06NV) và NGUYỄN THỊ XUÂN HƯƠNG (08NV)

Angel
Level: Cáo Già
Level: Cáo Già
Angel

Bài viết Bài viết : 510
Tiền Zr Tiền Zr : 16586

Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Empty
Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr... Empty19/6/2011, 13:31

Đọc hơi khó hỷu 1 tý mừk ngẫm lại thỳ thấy hay

Tìm hiểu giới tính thứ ba qua hình tượng "người cừu" tr...

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Bạn không có quyền trả lời bài viết
VBOY WORLD  :: KIẾN THỨC LGBT