“Chưa một lần em tìm đến tụ điểm của những người như mình, em sợ mọi người dị nghị, và đành nhờ vào những lần uống rượu để uống cho say, để có cơ hội nhận được sự chăm sóc của các bạn nam, được tựa vào bờ vai ai đó”, Phúc tâm sự.
Vốn là cậu học trò ngoan và học giỏi quê Phú Thọ, nhưng từ những năm cuối cấp ba, khi tâm sinh lý thay đổi thì Huy nhận ra rằng mình khác những bạn nam khác. Cậu không thích con gái mà lại luôn nhớ đến hình dáng của một bạn trai học lớp kế bên.
“Em không dám đi chơi cùng các bạn nam nhiều, suốt ngày chỉ cặm cụi đi học rồi về phòng, đến mức các bạn cùng xóm trọ còn tưởng lầm em là thằng mọt sách”, Huy, 20 tuổi, trọ ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội tâm sự.
“Ban đầu, em coi cảm giác đó là bình thường, nhưng rồi càng ngày càng thấy nhớ cậu ấy và có ý định làm quen để được nói chuyện", Huy kể. Cũng vì lo sợ, cậu vùi đầu vào ôn thi đại học, để đến bây giờ khi đã là sinh viên năm 3 đại học Giao Thông Vận Tải, cậu vẫn luôn tự ti mặc cảm mình là một kẻ không bình thường, thậm chí bệnh hoạn.
“Bố mẹ làm nghề nông vất vả. Nếu bố mẹ biết em bị chứng bệnh này chắc đau khổ lắm”. Vì lý do ấy mà Huy sợ chính bản thân mình, sợ con người mình sẽ gây đau khổ cho gia đình, cho mọi người xung quanh.
Cùng nỗi khổ tâm ấy, lời tâm sự chân thật của Khôi (19 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) khiến người đối diện không khỏi nao lòng: “Vì ở cùng bên khu Hà Đông nên chiều nào đi học về em và một bạn trai khác cũng đi về cùng xe bus, lâu dần việc đợi bạn ấy, được nhìn thấy bạn ấy là một thói quen, rồi khi ba bốn ngày không thấy là em thấy nao nao và lo lắng. Đến mức khi gặp lại bạn ấy trên xe bus em đã cố chen đến gần...”.
Nhưng đến giờ, Khôi vẫn chưa dám hé một lời nào để làm quen với cậu bạn nọ. Và cách tốt nhất là tránh gặp. Hàng ngày cậu sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên cố gắng chơi thể thao nhiều hơn, sống với vẻ đàn ông hơn nhưng cứ đêm xuống cậu lại rơi vào cảm giác cô đơn.
“Hầu như đêm nào em cũng khóc, em quên bạn ấy rồi nhưng lại mặc cảm vì chính mình”, Khôi nói. Trong căn phòng trọ không thấy một tấm gương nào, cậu lý giải: “Em sợ nhất soi gương, soi gương là nhìn thấy bộ mặt yếu đuối của mình”.
Cũng thuộc giới tính thứ ba, nhưng Hưng (23 tuổi, đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội) lại có vẻ ngoài rất đàn ông. Gặp cậu bên ngoài ít người ngỡ rằng cậu là một gay chính hiệu, với khuôn mặt điển trai, cao to và ăn mặc bụi bặm. “Nhiều bạn gái thích mình lắm, nhưng tiếc là mình không thể yêu được”, Hưng bảo.
Là con trai duy nhất trong nhà, được cha mẹ là công chức nhà nước chu cấp đầy đủ, Hưng cho biết bố mẹ luôn tự hào vì cậu nên cậu tự nhận "mình không có quyền đạp đổ mọi thứ, cũng không thể nói sự thật cho bất kỳ ai". Được hỏi sau này có lấy vợ không, cậu thở dài cho biết sẽ cố, sẽ tập để lấy được vợ.
Hơi khác với ba trường hợp trên, cậu sinh viên tên Phúc (21 tuổi, đại học Thương Mại, Hà Nội, lại khát khao được là con gái.
“Em phục hai bạn nữ chụp ảnh cưới công khai trên mạng, hạnh phúc lây khi một đôi bạn nam gần đây tổ chức một lễ cưới linh đình. Cũng khâm phục một cậu học sinh cấp ba trong TP HCM dám mặc đồ con gái khi ra đường, hay đi học… nhưng em thì chưa một lần nào dám là mình”, Phúc thổ lộ với người bạn quen qua mạng.
“Chưa một lần em tìm đến tụ điểm của những người như mình, em sợ mọi người dị nghị, và đành nhờ vào những lần uống rượu để uống cho say, để có cơ hội nhận được sự chăm sóc của các bạn nam, được tựa vào bờ vai ai đó”, Phúc tâm sự.
Cậu biết mình như thế này từ năm lớp 10, nhưng tới nay vẫn chưa bộc lộ với ai, ngoài một người bạn ảo trên mạng. Và hàng ngày nhìn những đôi bạn trẻ cầm tay nhau đi chơi, Phúc lại tủi thân, hay đơn giản nhìn những bạn gái mặc váy cậu lại thầm ước mình được một lần như thế.
Cách duy nhất để cậu đỡ buồn là hàng đêm vào phòng chat trên yahoo với nick chat ghi rõ giới tính và tìm những người bạn giống mình để trò chuyện. “Trên mạng cũng có người tốt người xấu, có người chỉ muốn tâm sự, nói chuyện làm bạn, nhưng có người đặt thẳng vấn đề muốn… quan hệ. Dù sao đây cũng là nơi tốt nhất đối với em”, Phúc tâm sự.
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lộc Nguyên (Trung tâm Tư vấn tâm lý Hà Nội) cho biết: “Giới tính thứ ba” là cụm từ dùng chung chỉ những người bị đồng tính luyến ái và đồng tính chuyển giới.
Như trường hợp của Phúc thì có thể xác định ngay cậu này bị đồng tính chuyển giới - tức là luôn có mong muốn trở thành phụ nữ, còn những trường hợp còn lại là đồng tính luyến ái - tức là họ vẫn là đàn ông nhưng chỉ có ham muốn quan hệ tình cảm, xác thịt với người cùng giới.
Ông cho rằng trong trường hợp của những bạn trẻ ở tỉnh lẻ, định kiến xã hội còn nặng nề và không có cơ hội được tiếp xúc với phương tiện truyền thông đại chúng thì cách tốt nhất là chính các em phải tự tìm cho mình một lối sống lành mạnh, tham gia nhiều công việc để quên đi cảm giác tâm lý bất ổn của mình.
Với những người có thể lên mạng, thì những diễn đàn của người đồng tính với người đi trước tư vấn cho những người đi sau là liệu pháp tâm lý tốt nhất.
Là người đã vượt qua được những xáo trộn tâm lý kiểu này ở giai đoạn mới lớn, anh Nguyễn Văn Hưng (32 tuổi, Nguyễn Thị Định, Hà Nội) bộc bạch: “Cũng từng trải qua những ngày như thế này, nên mình hiểu cảm giác không người chia sẻ, cô đơn và sợ hãi như thế nào.
Bởi những định kiến xã hội, bởi chính những lo lắng cho gia đình, khiến các bạn trẻ như mình luôn sống trong thế giới đầy lo lắng hai mặt.
Họ có thể rất rắn rỏi nhưng mặt khác lại có thể rất yếu đuối, tình trạng tâm lý bất thường sẽ khiến cho cơ thể suy sụp, sống thu mình và rất dễ dẫn đến tình huống tự kỷ, đến lúc nào đó thấy bế tắc như cậu bạn của mình đã có lần suýt nữa tự tử”.
Cũng theo anh Hưng, "dù là trái với thuần phong mỹ tục theo quan niệm của nhiều người Việt, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng xã hội sẽ nới lỏng định kiến với những người thuộc thế giới thứ ba".
Theo Gia đình & xã hội