8 tuổi, đen nhẻm, tóc quăn tít, còi cọc, ngồi trên lưng bò mà ai cũng gọi tôi là là thằng Tí và thường là những trận đòn như cơm bữa vì ham chơi để bò ăn hoa màu của người ta.
10 tuổi, suýt chết đuối vì ngồi lưng bò qua sông nhưng không hề biết bơi, may mà có anh trai cứu kịp.
12 tuổi, mồng 6 tết, thả bò đi hái sen, bị người ta đốt rẫy, đốt quần áo, cà mèn, dép, nón... Khóc thảm thiết. Đôi dép nhựa trắng (18.000đ) cháy đen nhẻm cầm trên tay, lội bộ 20km vừa đi vừa khóc vì sợ về nhà mẹ đánh. Cả tháng đi học bằng chân trần mẹ vẫn không hay. Hú hồn, không bị đánh.
15 tuổi, đốt vở nghỉ học. Mẹ la, anh trai phải mượn vở bạn học chép lại bài những môn thi tốt nghiệp. Một lũ mấy chục đứa cùng chăn bò chỉ còn mình cắp sách đi học.
17 tuổi, ngày 20-11 trời mưa tầm tã, bạn bè kéo nhau thăm thầy cô, một mình cùng đàn bò đứng dưới mưa giữa cánh đồng tủi thân khóc ngon lành. Học từng ấy năm mà chưa được đi thăm thầy cô đúng nghĩa nhân ngày 20-11!
18 tuổi, một mình đạp xe lên Buôn Ma Thuột, cách nhà 30km để thi tốt nghiệp cấp III. Lần đầu tiên biết Buôn Ma Thuột.
19 tuổi, đậu Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Bạn bè nói: học ngành triết làm gì, sau này khó xin được việc. Mẹ động viên, quyết định lên đường mang theo cái rương gỗ lỉnh kỉnh vở, bút, quần áo, dầu gội, xà bông... Mang theo tất cả vì cứ lo vào Sài Gòn mấy thứ này... không biết mua ở đâu! Thật dại!
20 tuổi, mỗi ngày đi bộ không dưới 20km đi học, đi bán báo, bán vé số nuôi thân. Nhịn đói, ăn cơm xì dầu sống qua ngày. Nhiều lúc đi bộ từ lầu 5 ký túc xá xuống đất dự định mua gói xôi ăn sáng, xuống tới nơi đắn đo mãi: 1.000 đồng đủ mua bó rau muống ăn trưa. Chấp nhận thói quen nhịn ăn sáng vậy.
21 tuổi, anh Việt cùng phòng tặng chiếc xe đạp, kết thúc hành trình đi bộ, nghỉ bán vé số, chuyển sang làm tiếp thị, phục vụ đám cưới, hội chợ, dạy kèm... suốt ba năm đi đủ nơi, làm đủ chỗ. Một ngày có thể đạp xe gần 100km đi làm.
22 tuổi, không đủ 47.000 đồng mua vé xe về tết, may Thành đoàn hỗ trợ vé xe, nhận học bổng sinh viên nghèo học giỏi của Thành đoàn, lần đầu tiên trong đời sở hữu một số tiền lớn... dữ dội như vậy (1 triệu đồng). Tập trung cho tốt nghiệp, nghỉ làm thêm hằng ngày ca 6g-20g để “ngồi thiền” ở sảnh C học bài.
23 tuổi là tân cử nhân, là giảng viên, là chuỗi ngày ăn cơm nguội chan xì dầu và nước mắt. Mất xe đạp, tài sản duy nhất để đi dạy.
24 tuổi, đậu cao học, nghèo đói vẫn theo đuổi, chạy đủ nơi, dạy đủ chỗ nuôi thân. Ai bảo giáo viên là sướng?
28 tuổi, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ loại xuất sắc. 29 tuổi, thi đậu nghiên cứu sinh.
Nhìn lại đời mình, tôi thấy: không loại bỏ được khó khăn ra khỏi cuộc đời thì hãy coi nó như một người bạn và tự mình thay đổi để được sống hòa thuận cùng người bạn của mình. Đói nghèo, gian nan sẽ là cơ hội tốt để ta rèn luyện, thử thách chính mình.
7-8 tuổi, Nguyễn Đình Quốc Cường đã biết một buổi đến lớp, một buổi phụ cha mẹ lên rẫy. Nhà nghèo, đông con, cậu út Cường đã quen với việc chăn bò song song thời gian đi học. Ước mơ nghèo khó của ngày bé cứ lớn mãi theo cậu, để từng có lúc Cường muốn bỏ học vì gia cảnh khó khăn quá.
Nhưng cảnh nghèo không quật ngã được cậu bé. Cường vào đại học và là người duy nhất của cả hai bên nội ngoại được học hành tới nơi tới chốn, mà nói như lời Cường là học thay cho bảy anh chị của mình. Niềm vui trong ngôi nhà nghèo khó ấy càng nhân lên bội phần khi Cường tốt nghiệp thạc sĩ và được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh chuyên ngành triết học vào tháng 3 vừa qua.
Hiện Cường giảng dạy tại bộ môn Mác - Lênin Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và thỉnh giảng tại năm trường ĐH, CĐ, trung cấp khác. “Vượt khó tôi không sợ, bây giờ mỗi khi về thăm gia đình tôi vẫn phụ cha mẹ chăn bò ngoài đồng. Tôi nhận ra mình còn thiếu nhiều kỹ năng trong cuộc sống, và đó là lý do vì sao lần đầu tiên tôi lập blog tham dự cuộc thi để có mặt tại trại kỹ năng sống lần 2 này” - Cường chia sẻ.
From : NGUYỄN ĐÌNH QUỐC CƯỜNG (http://yume.vn/doisedoithay)