Hơn 30 năm trước, cô Trần Thị Ngời laf giáo viên dạy phổ thông ở Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Khi đó trường cô dạy nằm cạnh một mái ấm nuôi trẻ khiếm thính. Trong lúc dạy học, tình cờ bắt gặp ánh mắt ngây thơ, tò mò và khao khát đến tội nghiệp của các em thơ bất hạnh vừa khuyết tật vừa bị người thân bỏ rơi mà cô Ngời nguyện với lòng, sẽ đem tiếng nói, nụ cười đến với các em...
Năm 1976, vì tình yêu thương với trẻ khiếm thính bị bỏ rơi mà cô Ngời xin chuyển công tác sang Mái ấm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Dù rất nhiệt huyết nhưng cô không thể gần gũi và dạy dỗ các em bởi cô không hiểu được ngôn ngữ nói bằng tay, bằng mắt của người bị câm điếc. "Thương thì rất thương nhưng thật lòng mà nói, thế giới của trẻ khiếm thính ngày ấy với cô rất xa lạ và phức tạp" - cô giáo Ngời tâm sự: "Khi ấy cô buồn lắm nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Cô lao vào tìm hiểu tâm lý, học "nói" bằng tay và qua đó cô nhận ra rằng những đứa trẻ bị khiếm thính có khả năng kỳ diệu là hiểu và thông tin cho nhau rất nhanh. Dù không thể nghe, không thể nói nhưng chúng có khả năng quan sát, diễn tả mọi suy nghĩ bằng cử chỉ rất nhanh và tinh tế".
Càng tìm hiểu những quy ước, mật mã riêng của "thế giới lặng", cô giáo Trần Thị Ngời hiểu hơn sự hung dữ, khó tính của những đứa trẻ bất hạnh chỉ vì chúng không thể nói và bày tỏ suy nghĩ của mình. Và khi cô dần gắn bó với các em thì vì đặc thù công việc và nhiệm vụ mà Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh ra quyết định chuyển cô về dạy tại Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP Hồ Chí Minh): "Về trường Nguyễn Đình Chiểu đồng nghĩa với việc cô phải bắt đầu mọi sự, phải học cách giao tiếp với người khiếm thị, phải học chữ nổi, phải gắn kết với các em với những công việc sinh hoạt hằng ngày như rửa chén, lau nhà, tắm giặt…" - cô Ngời nhớ lại.
Về trường mới với nhiệm vụ mới, dù suốt ngày bận rộn với những học trò khiếm thị nhưng cô giáo Ngời vẫn không thôi bị nỗi ám ảnh về những đôi mắt ngây thơ, khao khát được giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhiều đứa trẻ khiếm thính ngày nào. Do khoảng cách từ trường mù đến Lái Thiêu quá xa nên cô quyết định tiếp cận với trẻ câm điếc ở giữa lòng thành phố. Hằng ngày, sau giờ dạy trên lớp là cô tản bộ khắp các hang cùng ngõ hẻm tìm gặp các em để san sẻ yêu thương.
"Cô thường gặp những đứa trẻ câm điếc nhóm họp trong các xó xỉnh vì các em không tự tin và sợ bị trêu chọc. Khi thấy người lạ các em luôn sợ sệt, lúc nào cũng trong tư thế phòng thủ, tự vệ… Do đã có kiến thức trước đó nên cô dùng dấu và dùng ngôn ngữ người câm để bắt chuyện. Thấy một người bình thường nhưng lại am hiểu ngôn ngữ của mình, có thể trò chuyện một cách vui vẻ nên bọn trẻ rất thích. Một thời gian sau thì chúng chủ động đến nhà cô gần trường mù ngày một đông để được lắng nghe, trò chuyện" - cô Ngời nhớ lại.
Năm 1986, vì tình thương với các trẻ em câm điếc mà cô Ngời quyết định mở lớp dạy văn hóa miễn phí dành cho các em, dạy từ cách chào hỏi, cách nói, đến cách phân biệt tốt - xấu… Lớp học ban đầu chỉ có 6 học sinh nhưng càng về sau càng đông và nhộn nhịp hẳn lên.
Sau khi tìm gặp các em khiếm thính, cô Ngời tận tâm dạy chữ, dạy vẽ cho các em.
Khi số học sinh vượt trên 30 em, cô Ngời kêu cháu gái vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm đến phụ… Cô kể lại chuyện xưa: "Thời gian đầu cô tự tạo máy nghe cho các em bằng cách nối cái phễu với đoạn ống cao su. Chiếc phễu như một cái loa, cô hét thật lớn để tiếng hét luồn qua ống đến tai các em. Trông buồn cười nhưng rất hiệu quả. Lần đầu tiên nghe được một chút rung động trong tai, mắt các em sáng bừng lên, rồi các em kêu phát âm thanh ú ớ vui mừng khôn tả"…
Sáng dạy tại Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, thời gian còn lại dành cho trẻ em câm điếc, công việc kéo dài gần 5 năm thì ngày nọ, cô Ngời được một bác sĩ chuyên khám bệnh cho trẻ chậm phát triển có con gái 5 tuổi cũng bị khiếm thính, tìm đến mời cô về cộng tác, mở lớp dạy cho trẻ khiếm thính. Tại lớp học này, nhiều đứa trẻ tưởng chừng như sẽ câm lặng cả đời nhưng khi tham gia khoảng hai tuần đã có thể bật lên những tiếng gọi mẹ, gọi ba. Khi nghe tiếng gọi ú ớ của con, nhiều phụ huynh vui mừng ôm con bật khóc…
Sau 4 năm "lăn lộn" với lớp học, cô Ngời được UBND TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1, tại số 1 Công xã Paris (phường Bến Nghé, quận 1). Lúc bấy giờ, ngoài Trường điếc Lái Thiêu (Bình Dương) thì Hy Vọng 1 là trường đầu tiên thực hiện theo phương hướng hoạt động, dạy văn hóa và hướng nghiệp cho người khiếm thính…
Hôm chúng tôi đến thăm, sau những hồi ức về hành trình đến với trẻ câm điếc, cô Trần Thị Ngời giờ là Hiệu trưởng Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 (TP Hồ Chí Minh) đưa khách đi tham quan trường học, nơi có những lớp học đặc biệt mà cả thầy và trò chỉ hiểu nhau qua tín hiệu. Thấy khách lạ, các bé 3-4 tuổi khoanh tay nhìn rồi uốn cái miệng tròn vo ú ớ gọi từng tiếng chậm rãi "con - chào - cô - chú!". Những âm thanh ngây thơ kéo dài với đôi mắt lanh lẹ đáng yêu ấy của các em giúp chúng tôi và nhiều người hiểu rõ hơn vì sao cô giáo Ngời nguyện gắn kết cuộc đời mình với các em
T.Dũng - H.Kiều[b]