Một người đã ở tuổi 70, người còn lại cũng ngoài 60. Một người suốt cuộc đời nặng nợ với núi rừng, người kia miệt mài trả nợ cho nghiệp gõ đầu trẻ mà mình trót theo mà không hề toan tính thiệt hơn. Nếu Đà Lạt có bảy người khùng như cách gọi vui để chỉ những người nổi tiếng và thậm chí hơi “ngông” ở phố núi thì với chúng tôi, họ là những người “khùng lạ”.




Người mở trường

Người thứ nhất là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đức Phúc. Ông sinh ra ở Hoài Nhơn, Bình Định nhưng suốt đời nặng nợ với những cánh rừng của đất Tây Nguyên, là người thân, người ân của bà con làng Darahoa nghèo khó.

Khi cha tập kết ra Bắc, ông mới hơn 10 tuổi. Năm 1961, ông bị bắt đi quân dịch nhưng lại trốn được và đi theo cách mạng. Cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã lập không ít chiến công và cũng không ít lần đi qua cái chết. Đôi ba lần đồng đội đã từng làm lễ truy điệu vì không tìm thấy ông sau những trận càn. Khi đó, những cánh rừng già đã chở che giúp ông sống sót, bà con dân tộc đã giúp ông no bụng bằng khoai sắn. Giải phóng, tìm về rừng, đau lòng khi thấy những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ bị tàn phá, xót xa khi thấy đồng bào K’Ho di canh di cư khốn khó quanh năm, ông làm đơn xin UBND tỉnh Lâm Đồng được nhận rừng để quản lý và bảo vệ. Được giao cho quản lý 355ha rừng, ông bắt đầu đi tìm và vận động bà con K’Ho về Núi Voi sống định cư để giữ đất, giữ rừng.

Lúc đầu, ông vận động được 10 hộ dân, cho họ hạt giống, dạy trồng bắp, trồng đậu để có thu nhập ngay, lấy ngắn nuôi dài rồi dần dần hướng dẫn họ trồng cây công nghiệp như trà, càphê. Khi được 26 hộ xin về sống, ông xin phép chính quyền cho thành lập làng mới. Làng Darahoa bây giờ có 46 hộ, gần 300 nhân khẩu với đời sống ngày một no đủ hơn. Già làng Bon Dơng Hai phấn khởi: “Hồi trước di canh di cư khổ lắm, đói cái bụng, giờ nhà nào cũng có cái xe máy, có nhiều bắp treo trên bếp, con nít còn được đến trường…”

Ngày đưa bà con về làng, ông Phúc không nghĩ đến chuyện mở ra lớp học mà chỉ nghĩ làm sao để bà con có cái ăn, cái mặc; nhưng dân làng ngày càng đông, trẻ con lần lượt ra đời và đều mù chữ như cha mẹ bao đời. Với mong muốn các em biết đọc biết viết, có đủ nhận thức để không bị lôi kéo bởi kẻ xấu, năm 2002, ông tự bỏ tiền, xây dựng lớp học tại làng và đăng báo tìm giáo viên về dạy các em

2 NGƯỜI KO ĐỤNG HÀNG...............NƠI ĐẠI NGÀN SieuthiNHANH2010120834149zdk3mzrhnw372254

Người gieo chữ

Hàng chục giáo viên tình nguyện đến nơi này nhưng rồi cũng nhanh chóng ra đi bởi số tiền ông Phúc hỗ trợ chưa đủ để đổ xăng, bởi đường sá khó đi và bởi sự vắng lặng buồn bã của núi rừng. Mãi đến năm 2005, khi cô giáo Huyền Đông Sương tìm đến và gắn bó với nơi này…

Ngoài 60 tuổi, không biết đi xe máy, nhà cách làng gần 15 cây số, lần đầu tiên đi vào cửa rừng, không biết phải vào trường bằng lối nào, cô Sương đã muốn quay về bởi đường xa lầy lội, bởi những đứa trẻ lem luốc chẳng mấy dễ gần, nhưng cái tình người ở chốn rừng thiêng đã níu cô ở lại nơi này. Một tuần ba buổi, con trai, con dâu hoặc con gái lại thay nhau chở cô vào làng và giúp cô ổn định lớp học. Còn cô, một mình năm lớp, hết dạy đứa này đánh vần, dạy toán cho đứa kia, kiểm tra chính tả cho đứa nọ. Quà cho cô giáo sau những buổi dạy có khi là mấy trái chanh dây, có hôm là buồng chuối, cũng có khi là ít măng tre. Cứ thế, cô chở hết cái tình của bà con ra khỏi cửa rừng, về với lớp học tình thương do chính cô gầy dựng nơi phố thị hơn chục năm qua để rồi đều đặn quay trở lại làng, mặc tuổi tác, mặc đường sá khó đi…

Lần đầu đến thăm lớp học ở Núi Voi, cô không kể chúng tôi nghe lớp học có từ bao giờ, vì sao cô lại đến đây, cô chỉ lăng xăng lấy tập của em này, vở của em kia khoe với chúng tôi nét chữ cứng cáp tròn trịa của học trò rồi hào hứng: “Em thấy có ham không, chữ đẹp quá chừng. Mới học có mấy tháng thôi mà biết đọc, biết viết hết…”

Với mong muốn ban đầu chỉ là giúp các em biết chữ, giúp các em biết cách giữ vệ sinh, dạy các em biết nhận thức cái đúng cái sai, hướng dẫn các em giữ gìn những cánh rừng xanh, nay học trò cô Sương có em đã học hết lớp 5, được chuyển về các trường lớn để tiếp tục học lớp 6. Hàng ngày, nơi góc rừng ấy, tiếng đọc bài của trẻ con vang vọng cả trời chiều. Với bà con làng Darahoa, ông Phúc được thân thương gọi bằng “ba Phúc” còn cô Sương thì được đám trẻ con xem như bà tiên giữa núi rừng.

bài và ảnh: Bích Uyên



Câu chuyện cùng những hình ảnh đẹp và xúc động về người mở trường và người cõng chữ ở Núi Voi sẽ được gửi đến khán giả trong chương trình Tiếp sức người thầy, phát sóng lúc 21g40 tối thứ ba 14.9 trên HTV9. Mọi đóng góp cho các nhân vật, xin gửi về: báo SGTT, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, ĐT: 39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gửi vào tài khoản của chương trình: tên tài khoản: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á, chi nhánh Q.3.

2 NGƯỜI KO ĐỤNG HÀNG...............NƠI ĐẠI NGÀN SieuthiNHANH2010120834149odrmymrkmm355311