Ông Hai lúa Huỳnh Hữu Dư ở vùng sâu vùng xa thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long hơn 15 năm qua luôn dành riêng một khoản tiền khá lớn để giúp đỡ những trường hợp bệnh nặng, không tiền chạy chữa hoặc gia đình nghèo khó bằng hình thức cho vay không lãi. Đến nay, đã có hơn 1.000 trường hợp được ông Dư giúp vốn với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều gia đình nhờ đó có điều kiện vượt khó, vươn lên thoát khỏi đói nghèo…

Ngân hàng không lãi

NGÂN hàng cho người khổ 20111015081447SAKr____images371052_S6b








Với những hoàn cảnh đặc biệt, vợ chồng ông Dư không tính chuyện thu lại vốn, miễn là người được giúp chí thú làm ăn. 2 năm trước vợ chồng anh Sáu Lê đến mượn 2 triệu đồng làm vốn buôn bán nhỏ lẻ bằng ghe xuồng trên sông với điều kiện mỗi tháng trả 100.000 đồng. Sau khi góp được 800.000 đồng (còn nợ 1,2 triệu đồng), vợ chồng anh ngưng trả. Một hôm, hàng xóm chưng hửng khi thấy ông Dư cho người kéo ghe hàng của vợ chồng Sáu Lê vào bờ, ai cũng tưởng ông Út xăng dầu siết nợ. Ai ngờ, ông Dư còn cho mượn thêm 400.000 đồng để vợ chồng Sáu Lê lấy hàng bán. Ông cũng không nhắc đến chuyện thu lại vốn”…


Đến chợ trung tâm xã Tân Hạnh, hỏi ông Huỳnh Hữu Dư (hay Út xăng dầu), hầu như ai cũng rành, nhất là dân thương hồ buôn bán trên sông Cả Cam. Có người còn tình nguyện dẫn đường, dẫu nhà ông cách đó gần 10km, đường đất gồ ghề. Chúng tôi rất ấn tượng khi chứng kiến tấm bảng mang dòng chữ: “Hội Chữ thập đỏ ấp Tân Hòa - nơi đây có số tiền đặc biệt dành riêng để phòng cho mượn khi những cơn bệnh cấp cứu xảy ra bất ngờ” đặt trước cửa hàng xăng dầu và tạp hóa của gia đình ông, cặp bờ sông Cả Cam. “Sở dĩ đặt tấm bảng ở đây là để dễ thấy, nhất là những trường hợp mắc bệnh đột ngột nhưng gia đình túng thiếu”, ông Dư lý giải.

Mở cuốn sổ ghi chép các trường hợp khó khăn tìm đến nhờ giúp đỡ, ông Dư nói: “Tội nghiệp lắm, mỗi người mang bệnh nặng khác nhau, nhưng có điểm chung là đều túng thiếu, lúc cập rập khó chạy được tiền. 8 năm trước, vợ ông Tư Lù ở cùng ấp Tân Hòa bị bệnh nặng, phải mổ gấp mà không đủ tiền. Biết vậy, tôi chủ động cho mượn 2 triệu đồng rồi lấy ghe máy phụ đưa vợ ổng ra Bệnh viện Vĩnh Long. Xuất viện về, 2 vợ chồng làm lụng, dành dụm hàng tháng trả dần”. Hay như trường hợp cách nay 9 năm, cháu nội ông Năm Sơn (xã Tân Hạnh) bị tai nạn giao thông phải lên TPHCM chữa trị nhưng gia đình không xoay kịp tiền. Ông Dư sẵn lòng xuất “vốn không lãi” cho mượn 4 triệu đồng (lúc đó vàng chỉ 5,3 triệu đồng/lượng) chạy chữa rồi từ từ trả lại.

Bà Nguyễn Thị Bé Ba (ấp Tân Hòa) xúc động nói: “Nhà tôi không có ruộng vườn, mấy đứa con đi làm mướn khắp nơi nhưng chỉ đủ sống. 2 năm trước, ông nhà tôi bệnh nặng. Biết hoàn cảnh, chú Dư cho mượn tiền điều trị đến hết bệnh. Nay tôi trả mới xong, chú ấy không lấy một đồng lời, vợ chồng tôi mang ơn suốt đời”.



Ông Huỳnh Hữu Dư và "trụ sở" ngân hàng không lãi.


Tiếng lành đồn xa, phạm vi giúp người của ông Dư không còn bó hẹp trong ấp, xã mà vươn ngày càng xa. Ông Đào Bá Long (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) có vợ bệnh nặng, được ông Dư cho mượn 1,5 triệu đồng đưa đi cấp cứu. Trong thư cảm ơn với nét chữ nguệch ngoạc, chị Nguyễn Thị Méo (xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch: “Chúng tôi không biết lấy gì đáp lại tấm lòng nhân nghĩa của vợ chồng ông Út xăng dầu đã giúp gia đình vượt qua cơn hoạn nạn”. Trước đó, giữa năm 2006, chồng bà Tư Méo bệnh nặng, được người dân chỉ đến, ông Dư cho mượn 5 triệu đồng để đưa sang Cần Thơ chữa trị…




Tiếp sức hộ nghèo


Cùng với việc giúp người bị bệnh nặng, nhiều năm qua, vợ chồng ông Út xăng dầu luôn rộng cửa “ngân hàng không lãi” tiếp sức không ít hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Thủ tục vay vốn hết sức đơn giản, không thế chấp, chỉ cần biết tên tuổi, địa chỉ và quan trọng nhất là niềm tin vào quyết tâm vượt khó của người vay.

Số tiền bà con đang vay ở ngân hàng không lãi hiện là hơn 100 triệu đồng. Trường hợp anh Phạm Thanh Dũng, 30 tuổi ở ấp Tân An, xã Tân Hạnh là một điển hình. Gia cảnh anh Dũng rất nghèo, 11 tuổi phải đi ở đợ, lớn lên làm mướn quanh năm với nghề bỏ mối nước đá, nước ngọt cho các chợ ven sông. “Tết năm 2000, nghe nó nói không có đồng nào ăn tết mà còn nợ lại chủ mấy triệu đồng vì hàng bị hư, ế, phải bán giá rẻ. Đã vậy, chủ bắt nó phải “gánh”. Tức không chịu được, tôi bảo nó bỏ về, tôi sẽ giúp nó mần ăn… Tôi đóng cho Dũng một chiếc ghe máy, cho mượn vốn lấy nước đá, nước ngọt đi bán. Nhưng chỉ được 1 ngày, ông chủ cũ tìm đến lấy ghe siết nợ. Hay tin tôi mời ông ấy đến trước sự chứng kiến của chính quyền ấp và người dân. Tôi phân tích, số tiền bị giựt, hàng hóa ế ẩm, mất giá… không thể đổ hết lên đầu Dũng mà phải chia đôi. Số nợ Dũng phải gánh từ 7,7 triệu xuống còn 4 triệu đồng. Ông ta đồng ý, tôi xuất tiền trả ngay hôm đó”. Sau đó, ông Dư tiếp tục giúp vốn, phương tiện giúp Dũng mần ăn. Do cần cù chịu khó, đến nay Phan Thanh Dũng đã trả được nợ gốc, có dư tiền mua đất cất nhà, cưới vợ, ra ở riêng. “Không bà con, họ hàng nhưng vợ chồng chú Út xăng dầu xem tôi như con cháu. Ân nghĩa này suốt cuộc đời tôi không quyên được”, anh Dũng tâm sự.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phụng (50 tuổi, ở ấp Tân Hòa) không ruộng vườn, có tới 4 miệng ăn, cuộc sống chỉ nhờ vào sạp thịt heo nhỏ ngoài chợ Tân Hạnh. Năm 2007, vì cụt vốn chị Phụng phải vay “nóng” 6,5 triệu đồng để xoay xở với mức lãi cắt cổ: 800.000 đồng/tháng. Lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình chị mất khả năng trả nợ, túng quẫn. Ông Dư hay tin, sẵn sàng cho chị mượn 6,5 triệu đồng trả hết nợ và thêm 1,5 triệu đồng làm vốn. Từ đó, chị Phụng mở tiệm bán tạp hóa tại nhà cạnh trường học, có đồng ra đồng vào, cuộc sống ổn định và dành dụm trả hết tiền lại cho “ngân hàng không lãi” trong 3 năm.

Chị Phụng tâm sự: “Tôi cũng như nhiều bà con khác, được người tốt cho mượn tiền không tính lãi là mừng lắm nên phải cố gắng làm ăn, trả lại vốn để ông Dư còn giúp người khác”. Biết hoàn cảnh nghèo khó của anh Thủy Em tại ấp Tân Hòa, ông Dư cho mượn miễn phí 1ha đất làm lúa 3 vụ trong vòng 1 năm để có tiền trả hết nợ ngân hàng và dư chút đỉnh làm vốn.




Còn sức, còn giúp người


27 năm trước, cặp vợ chồng son Huỳnh Hữu Dư - Lê Thị Út rất nghèo khó, sống bằng nghề buôn gánh bán bưng lênh đênh khắp sông nước các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, thậm chí tận TPHCM. Sau vài năm, 2 vợ chồng quyết định trụ lại với nghề bán dạo, bỏ mối xăng dầu và nước mắm theo các chợ ven sông. Biệt danh anh “Út xăng dầu” được người dân, bạn hàng quen gọi từ đó. Khi tích lũy được kha khá vốn, cách nay 18 năm, vợ chồng Huỳnh Hữu Dư quyết định lập cây xăng dầu trên đất nhà, cặp bờ sông Cả Cam, hoạt động nở nồi đến nay.

“Ý định giúp những hoàn cảnh nghèo khó, hoạn nạn có trong đầu tôi chính từ những tháng ngày 2 vợ chồng vất vả kiếm sống lênh đênh trên sông nước. Vì vậy, khi có điều kiện là chúng tôi quyết làm ngay mà không mong nhận lại sự trả ơn gì cả. Mỗi khi giúp được một người vượt qua bệnh tật, nghèo túng là vợ chồng tôi thêm một niềm vui. Chỉ mong mình có nhiều sức khỏe, làm ra tiền để tiếp tục duy trì việc cho vay tiền không lãi, giúp nhiều người nghèo khó”, ông Dư tâm sự.

Tạm biệt chúng tôi cũng là lúc bà Lê Thị Út chuẩn bị đi khai trương phòng thuốc nam từ thiện (do bà tài trợ) tại một ngôi chùa ở xã Tân Hạnh. Trong khi đó, ông Dư lại tất bật nổ máy ghe chở xăng dầu đi bỏ mối cho các cơ sở sản xuất, cơ khí ven sông… Cả hai ông bà đang nỗ lực tiếp sức cho người nghèo bằng “ngân hàng không lãi” nghĩa tình bên bờ Cả Cam.