boy_padadari Level: Trai Đẹp
Bài viết : 166 Tiền Zr : 15864
| 16/11/2010, 11:18 | |
| Ai từng vào Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) hẳn sẽ thấy một người đàn bà tầm 58 tuổi, tay cầm xấp vé số, miệng ú ớ mời khách ở phía hành lang. Người đàn bà ấy bị câm. Người ta gọi bà là Hồng, nhưng không biết họ tên thật của bà là gì và quê quán ở đâu. Chỉ biết bà đã ở bệnh viện này rất lâu. Dù nghèo khổ, tật nguyền, song bà có một tấm lòng nghĩa hiệp: bán vé số kiếm tiền cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện này.
Tháng 11, trời Đà Nẵng mưa như trút nước, tôi ghé vào BVĐN thăm người bạn đang nằm điều trị tại đây. Trong hành lang nhộn nhịp người qua lại, tôi chợt thấy một người đàn bà dáng hình nhỏ, lưng hơi còng, tay cầm xấp vé số chìa ra, miệng ú ớ mời khách. Hỏi chuyện mới biết, bà tên Hồng nhưng không rõ quê quán ở đâu.
Theo nhiều người làm lâu năm ở bệnh viện cho biết, vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, bà được một người đàn ông đưa vào đây trị bệnh hen suyễn, rồi bỏ lại bà ở bệnh viện. Kể từ đó bà lớn lên tại bệnh viện, xem bệnh viện là nhà, lấy ghế đá làm giường; bạn bè là những bệnh nhân nghèo, những y tá, hộ lý của bệnh viện. Những lúc mưa rét hay ốm đau thì được các y tá, hộ lý cho vào các giường bệnh nhân trống để nằm nghỉ.
Đã mấy chục năm trôi qua, từ thế hệ này đến thế hệ khác làm nghề bác sỹ tại bệnh viện vẫn thấy người đàn bà bệnh tật, lam lũ ngày ngày ở tại bệnh viện. Bà có một nghị lực thật phi thường.
Không biết từ bao giờ và ai đã chỉ dẫn cho bà đi bán vé số. Tối tối bà đến đại lý vé số gần nhất lấy cho mình một tập để phục vụ cho một ngày mới. Địa bàn của bà chính là khu vực BVĐN, khách mua là những thân nhân của bệnh nhân. Ngồi ở hành lang, tay cầm xấp vé số, miệng luôn cười, ai thương tình thì mua giúp. Bà cho biết mỗi ngày bán khoảng 200 tờ vé số.
Số tiền lời kiếm được, ngoài ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, số còn lại bà giúp đỡ cho những đứa trẻ bất hạnh. Nhiều người nghe tôi nhắc đến bà đã kể lại câu chuyện về tấm lòng người đàn bà câm bất hạnh ấy: Hễ nghe tin ở khoa Sản có bé bị mẹ bỏ rơi, dù đang bán vé số cho khách bà cũng vứt để chạy lên nhận nuôi, giúp đỡ. Bà chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi bằng một tình thương vô bờ bến, xem những đứa bé như chính con của mình dứt ruột đẻ ra.
Đứa bé mà bà cưu mang, chăm sóc gần đây nhất là bé Rớt bị mẹ bỏ rơi khi mới sinh ra.
Đã có hàng chục bé bị bỏ rơi được bà cưu mang, nuôi nấng. Hành động của bà khiến cho những người ở bệnh viện hết sức cảm phục. Nhưng dù "nhặt" lại không ít những mảnh đời trẻ nhỏ bị bỏ rơi, bà vẫn sống đơn độc giữa chốn ồn ào ở bệnh viện. Bởi lẽ, để đảm bảo tương lai của các cháu, bà đành đứt ruột trao các cháu lại cho các trung tâm nuôi dạy trẻ. Bà hướng đến tương lai của những em nhỏ thay vì ích kỷ nghĩ cho niềm hạnh phúc được có người bầu bạn của mình. Hành động ấy, tấm lòng ấy khiến người ta không chỉ cảm phục mà tôn trọng bà rất nhiều. Khi trò chuyện về bà, một hộ lý ở Khoa Sản kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện đầy cảm động như thế.
Cách đây 5 tháng, một đứa trẻ bất hạnh lại bị bỏ rơi. Bà nhận giúp đỡ, đặt tên cho bé gái này là Rơi. Bà dẫn chúng tôi vào thăm Rơi trong một căn phòng có lẽ chỉ dành riêng cho những đứa trẻ bị bỏ rơi ở đây. Một mình cô bé nằm buồn thiu trong nôi như chính số phận của em. Bà đút sữa cho Rơi uống rồi ú ớ lời ru. Nhìn đứa bé, nước mắt bà lưng tròng, chúng tôi cũng cảm động và nhận ra rằng, bà rất thương bé Rơi - tình thương chân thành từ trái tim của một người mẹ. Nhưng tôi biết, tình thương ấy dù có mãnh liệt đến đâu cũng không thể nào giữ Rơi ở mãi bên cạnh bà. Bởi lẽ, bà là người đàn bà câm, tứ cố vô thân!
Chia tay bà Hồng, trong tôi không thôi đau đáu về tương lai của người đàn bà bất hạnh đầy nghĩa hiệp. Mấy chục năm rồi bà tự nuôi thân và nuôi dưỡng cái tâm thiện của mình. Nhưng thời gian sẽ bào mòn sức khỏe, khi bà không còn đủ sức để cầm xấp vé số đứng bán ở hành lang bệnh viện, ai sẽ chăm lo cho miếng ăn, giấc ngủ của bà! Có lẽ, chưa bao giờ người đàn bà câm ấy nghĩ cho bản thân mình khi bao nhiêu tiền bạc, tình thương bà đều dồn cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Bởi bà mong những đứa trẻ sẽ bớt bất hạnh hơn bà. Tấm lòng ấy đáng cảm phục biết bao nhiêu!
|
|